Error message

  • Deprecated function: implode(): Passing glue string after array is deprecated. Swap the parameters in drupal_get_feeds() (line 394 of /home3/thanhkin/public_html/hoptinhhoply.org/includes/common.inc).
  • Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in menu_set_active_trail() (line 2394 of /home3/thanhkin/public_html/hoptinhhoply.org/includes/menu.inc).

Đi tìm cây ban sự trường sinh bất tử

Tần Thủy Hoàng, một bạo chúa Trung Hoa sống vào những năm 259-210 TCN rất sợ chết. Vào những năm cuối đời, ông nổ lực đi tìm thuốc trường sinh bất tử (tức là “sống lâu không chết”). Tuy nhiên, dù nắm quyền sinh sát một thời, ông đã không thoát được định luật “sinh lão bệnh tử” như mọi người khác.

Ngày nay, có lẽ mọi người đã hiểu rằng bất tử chỉ là vô vọng nhưng hầu hết mọi người vẫn còn hy vọng “trường sinh.” Muốn “trường sinh” thì phải làm chậm tiến trình lão hóa lại vì tiến trình này cuối cùng dẫn đến cái chết. Theo lý thuyết free radical (viết tắc là FR), tiến trình lão hóa là tiến trình tích lũy những hư hoại trong tế bào sinh vật do FR gây ra. FR là những nguyên tử hay phân tử có một điện tử hóa trị không được cặp đôi. Thoạt đầu, FR được tạo ra do tế bào sinh vật bị tấn công bởi ô nhiễm trong môi trường sống, bởi các tia vũ trụ như tia cực tím (hay UV), các chất hóa học được dùng trong đời sống hằng ngày. Các FR này không ổn định và rất dễ phản ứng với các nguyên tử hay phân tử chung quanh chúng. Từ đây, sự hủy hoại lan ra rất nhanh chóng. Bệnh tật dẫn đến cái chết vì thế là sự tích lũy không thể đảo lộn được các FR. Do đó, muốn chống lão thì phải làm chậm lại tiến trình hình thành các FR.

Ngày nay, trong các xã hội dư ăn dư mặc, kỹ nghệ sức khoẻ và làm đẹp như chế tạo thuốc dưỡng da, thuốc bổ, giải phẫu thẩm mỹ, v.v. rất thịnh vượng. Những người không thích dùng những phương pháp nhân tạo ấy thì tìm ăn những loại thực phẩm có tác dụng chống lão (anti-aging hay anti-oxidation). Các loại thức ăn ấy là rau trái có nhiều màu, như xà lách, cà rốt, cà chua, bắp, đậu, táo, cam, trà xanh, nho, v.v. Theo đông y, nhân sâm là vị đứng hàng đầu trong bốn vị thuốc bổ: sâm, nhung, quế, phụ cũng có tác dụng trường sinh. Các loại thức ăn này có tác dụng trung hoà các FR, làm chúng “trơ ra” không phản ứng với môi trường chung quanh chúng nữa, vì thế, mức độ tác hại do FR được giảm thiểu rất nhiều.

Trong bài này chúng tôi không đi sâu vào khía cạnh khoa học của lý thuyết FR đối với tiến trình lão hóa của con người. Chúng tôi chỉ muốn nêu lên hai câu hỏi, rằng: 1- Từ đâu con người có ước vọng trường sinh và 2- Cái gì khiến con người nhìn vào các loài cây cỏ, hoa quả với hy vọng tìm ra các chất chống lão? Thật ra, chỉ có một lời giải đáp cho hai câu hỏi trên. Lời giải đáp đó như sau.

Loài người được Đức Chúa Trời tạo ra để sống đời đời. Chúng ta không được tạo ra chỉ để đi qua con đường sinh lão bệnh tử. Trung bình một người sống được 70-80 năm. Có người sống lâu hơn nhưng cũng có người chết trẻ. Khi nhìn vào lộ trình vô lý này, chúng ta nghĩ ngay đến sự “vô thường” hiển nhiên của vũ trụ, nhưng thật ra sự “vô thường” ấy là một điều rất bất thường. Khi Đức Chúa Trời tạo dựng ra hai vợ chồng A-đam và Ê-va, Ngài đặt họ vào trong vườn Ê-đen có nhiều cây trái ăn được, trong đó có hai cây làm chúng ta chú ý. Một cây là cây ban sự sống (đời đời), còn cây kia là cây ban kiến thức thiện và ác. Đức Chúa Trời căn dăn hai ông bà không được ăn trái từ cây kiến thức vì khi ăn xong thì người ăn sẽ chết. Giả dụ hai ông bà tuân lời Đức Chúa Trời mà ăn trái từ cây ban sự sống đời đời thì nhân loại sẽ không bị đặt vào trong cái vòng sinh lão bệnh tử, nhưng vì họ ăn cây ban kiến thức nên bịnh tật và hậu quả là cái chết đã đi vào thế gian. Dù cơ hội bất tử đã mất, ước vọng sống đời đã được gieo vào trong tâm khảm của loài người thế hệ này sang thế hệ sau, mặc dù nó bị đè nén. Cũng được gieo vào tâm khảm của loài người còn là cây ban sự sống, vì thế từ đông sang tây, trong hàng ngàn năm nay, loài người nổ lực đi tìm chất trường sinh trong các loài hoa quả.

Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng, nếu con người bị tàn phá vì môi trường thì các loài hoa quả cũng chịu số phận tương tự. Cụ thể là nếu nhân sâm có tác dụng chống lão, thì nhân sâm vài ngàn năm trước tốt hơn là nhân sâm ngày hôm nay. Còn về loài người, chúng ta càng ngày càng yếu, càng dễ nhiễm bệnh, mặc dù tuổi thọ trung bình có vẻ tăng thêm. Sự tăng gia tuổi thọ ấy là do thuốc men giữ gìn, chứ mức độ phá hoại từ môi trường càng ngày càng gia tăng. Sẽ có một lúc tuổi thọ trung bình giảm vì càng ngày càng có nhiều bịnh, tật, dịch mới sinh ra; y khoa và y tế của con người luôn luôn đi sau bịnh tật, chứ không bao giờ chủ động.

Nhưng may mắn thay, niềm hy vọng của loài người chúng ta về sự sống đời đời không biến mất theo cây ban sự sống trong vườn Ê-đen, khi hai ông bà A-đam và Ê-va bất tuân Đức Chúa Trời. Thánh Kinh dạy rằng nếu ai tin nhận Cứu Chúa Jesus, thì Ngài ban cho sự sống đời đời, không những cho linh hồn mà còn thể xác nữa. Thánh Kinh dạy rằng sẽ có một thời điểm trong tương lai, những người đã chết mà tin Chúa sẽ được phục sinh với một thân thể mới không hư nát. Đức Chúa Trời sẽ phục hồi cây ban sự sống, có lá được dùng để trị bệnh cho thế gian: “Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân” (Khải Huyền 22:2).

Đó là niềm hy vọng chắc chắn của những người tin vào sự cứu rỗi của Đấng Christ Jesus.

Lê Anh Huy

Tiết mục: