Error message

  • Deprecated function: implode(): Passing glue string after array is deprecated. Swap the parameters in drupal_get_feeds() (line 394 of /home3/thanhkin/public_html/hoptinhhoply.org/includes/common.inc).
  • Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in menu_set_active_trail() (line 2394 of /home3/thanhkin/public_html/hoptinhhoply.org/includes/menu.inc).

Sự hiện hữu của Đức Chúa Trời trong văn hóa Trung Hoa

I/ - Dẫn nhập

Nho giáo khởi nguyên tại Trung Hoa từ thời thượng cổ. Ban đầu nó là một triết lý siêu hình nhưng đến thời Xuân thu, vào cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ V trước công nguyên (TCN), Khổng tử, một triết gia Trung Hoa phát triển và xây dựng có hệ thống học thuyết này thành một học thuyết chính trị xã hội nhằm mục đích thiết lập trật tự xã hội trong giai đoạn loạn lạc. Do đó Nho giáo còn được gọi là Khổng giáo. Từ đó Nho giáo là nền tảng cho văn hóa của người Trung Hoa.

Nho Giáo tin có Trời, nhưng Trời trong Nho giáo có mối tương quan gì với Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo?

II/ - Ông Trời của người Trung hoa cổ đại

Sau trận lụt Đại Hồng Thủy, loài người sinh sôi nảy nở thêm nhiều lên và tất cả đều nói cùng một thứ tiếng. Nhưng trên đường di dân từ Đông phương, họ dừng lại ở đồng bằng Si-nê-a rồi định cư tại đó. Họ muốn xây tháp Ba-bên cao đến tận trời để làm rạng danh cho mình. Đức Chúa Trời nhìn xuống thấy việc làm sai trái của loài người bèn ngự xuống và làm lộn xộn tiếng nói của loài người. Từ đó, loài người dừng công việc xây tháp và tản ra khắp mặt đất. Những người có cùng chung một tiếng nói họp nhau lại thành một dân tộc.

Căn cứ theo một tài liệu nghiên cứu của Roy L.Hales, The Origin of the Chinese, người Trung Hoa thuộc dòng dõi Cham, cha của Ca-na-an. Người Trung Hoa từ phía Tây Bắc di chuyển xuống miền Hoàng Hà đánh chiếm lãnh địa của dân tộc Miêu. Mỗi họ tộc chiếm lĩnh một khu vực riêng làm lãnh địa của mình làm thành một nước; mỗi nước có một tộc trưởng đứng đầu. Vì có nhiều họ tộc nên có nhiều nước và nhiều tộc trưởng. Các tộc trưởng của các nước họp nhau chọn ra một lãnh tụ có tài đức để cai trị cả thiên hạ. Lãnh tụ này được xưng là thiên tử. Các nước có nhiệm vụ phục tòng thiên tử và hàng năm phải triều cống. Việc cai trị của mỗi nước đều theo chế độ gia tộc, có tôn ti trật tự từ nhỏ đến lớn. Trong gia đình con cái phải phục tòng cha mẹ; người nhỏ phải vâng phục người lớn. Trong mỗi nước có vua đứng đầu. Vua phải vì quyền lợi của dân mà chăn dân và bảo bọc dân.

Tuy nhiên, chính trị chỉ mới giúp giải quyết phần nào trật tự trong xã hội, giữ gìn quan hệ giữa người với người về mặt luật pháp. Nó không giải quyết được những tai họa bất ngờ mà con người phải hứng chịu trong đời sống hàng ngày như: đau ốm bệnh tật, cái chết không biết trước, thất bại trong việc làm ăn mua bán và tai ương thiên nhiên. Do đó, người ta tin rằng có một thế lực siêu nhiên nằm ngoài vũ trụ cai quản toàn cõi. Khi quan sát sự chuyển động của các tinh tú như mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao cùng với các tai ương thiên nhiên như giông bão, lũ lụt, sấm sét, động đất, núi lửa, v.v. người ta cho rằng ắt phải có một vị thần điều khiển mỗi hiện tượng. Và cao trên tất cả các thần phải có một vị Thần để cai quản toàn vũ trụ. Một ý tưởng đơn sơ mộc mạc đúc kết được từ trong xã hội loài người: nhà có ông cha làm chủ, nước có vua đứng đầu, nhiều nước thì có thiên tử cai trị. Như thế thì trong vũ trụ tất nhiên phải có một Đấng thần linh rất cao làm chủ các thần và muôn loài muôn vật. Và họ tôn xưng vị Thần ấy là Thượng đế. Chúng tôi trình bày sau đây khái niệm về Đấng Thượng Đế ấy biểu hiện trong chữ viết của người Trung hoa ra sao.

Theo truyền thuyết, Hoàng đế Trung Hoa (2697-2597 TCN) ra lệnh cho một ông quan sáng tạo ra chữ viết. Căn cứ vào các tài liệu người ta tìm thấy ở thư viện Hoa Nhật Yenching Havard thì chữ viết của người Trung Hoa xuất hiện vào khoảng năm 2500 TCN. Đây là loại chữ tượng hình, biểu ý, vẽ phác hoạ một vật hay một ý tưởng bằng một ký tự do nhiều ký tự khác kết hợp lại. Ví dụ chữ TRỜI (Thiên):

“Thiên” (天): Là sự kết hợp của hai chữ “nhất” (一) “đại” (大) 

Trong chữ này, đại là lớn; nhất là số 1, số đầu tiên trên tất cả các số. Xem như thế, người Trung Hoa đã ý thức được Trời là vị thần lớn nhất và trên tất cả và họ đã thể hiện niềm tin này vào chữ viết của mình. Người Trung Hoa cổ đại tin Trời là Đấng lớn nhất, Đấng chí nhân chí tôn cai quản tất cả các thần và muôn loài muôn vật trong vũ trụ, là Đấng có khả năng vô biên, hiện diện khắp mọi nơi, nhìn thấu suốt khắp cả thế gian và soi xét xuyên thấu tận nơi kín giấu của đáy lòng mỗi con người, Ngài cũng lại là Đấng rất mực thương yêu nhân loại tìm cứu giúp kẻ khốn cùng. Kinh Thi viết rằng:

“Hoàng hỹ Thượng đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc” (Đức Thượng đế rất lớn, soi xuống dưới rất rỏ ràng, xem xét bốn phương để tìm sự khốn khổ của dân mà cứu giúp).

Đạo đức cơ bản của người Trung Hoa là phải kính Trời và sợ Trời. Điều này hoàn toàn trùng khớp với Thánh kinh của Cơ đốc giáo: “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức; còn kẻ ngu muội khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy” (Châm ngôn 1.7).

Ông Trời (hay Thượng đế) của người Trung Hoa là một Đấng Thần linh tối thượng, là một ông thần “không biết” nhưng họ tin là thực hữu. Ở Bắc kinh có một đền thờ Ông Thiên 450 tuổi. Kinh Thư có ghi lại sự kiện trước đó 4000 năm, hoàng đế Shun (vua Thuấn) (trị vì từ khoảng năm 2256 TCN - 2205 TCN) dâng sinh tế cho Shang-Di (?). Tế vật là một con bò đực đặt trên bàn thờ bằng đá cẩm thạch trắng; nghi lễ được hoàng đế thực hiện hàng năm rất long trọng. Khi triều đại của vị vua cuối cùng của Trung hoa sụp đổ thì nghi thức này cũng bị bãi bỏ vào năm 1911.

Shang-Di, hay còn được gọi là Trời, được các hoàng đế Trung Hoa cổ đại tôn xưng là Đấng Tạo hóa. Họ thể hiện niềm tin này qua những bài ca vịnh trong các buổi tế lễ hàng năm như sau:

“Khi Ngài (Shang-Di), là Chúa, đã phán gọi sự hiện hữu của trời, đất và loài người (nguyên thủy). Giữa trời và đất Ngài phân chia và xếp đặt cách trật tự loài người và vạn vật, tất cả được bao phủ bởi bầu trời.” [3]

Và đây là một đoạn ca vịnh khác trong các buổi tế lễ Shang-Di của Hoàng đế Trung Hoa:

“Thuở xưa từ buổi ban đầu, mọi thứ đều hỗn độn, không hình dạng, bóng tối bao phủ. Năm thông số (của các hành tinh-ngũ hành) chưa xác định quỷ đạo để chuyển động, cả mặt trời lẫn mặt trăng cũng không tỏa sáng. Hỡi Ngài, Đấng linh thiêng cao cả, đầu tiên, Ngài phân chia các vật chất thô từ các hạt mịn hơn. Ngài tạo dựng nên bầu trời. Ngài làm ra trái đất. Ngài nắn nên loài người. Ngài làm tất cả mọi vật để chúng được hiện hữu với khả năng tái sinh mạnh mẽ ”. [3]

Cấu trúc của các chữ viết Trung Hoa cổ khiến chúng ta liên tưởng đến những câu chuyện trong Thánh kinh Cơ đốc giáo như sau:

  • “Tạo” (造) = “thổ” (土) + ”khẩu” (口) + “phiệt” (丿) + ”sước” ( 辶)

Trong chữ “Tạo” (造) có chữ “thổ” (土) là đất; “khẩu” (口) là người; “phiệt” (丿) là sống động; “sước” ( 辶) là bước đi. Còn Thánh Kinh Cơ Đốc giáo thì dạy rằng:

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh-khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh-linh.” (Sáng-thế-ký 2.7)

Như thế, công việc sáng tạo ra loài người của Đức Chúa Trời đã thể hiện đầy đủ trong một ký tự của Trung Hoa.

  • “Thèm muốn” (婪) = “lâm” (林) + “nữ” (女)

Chữ “Thèm muốn” gợi cho chúng ta nhớ câu chuyện bà Ê-va trong vườn Ê-đen thèm ăn cây bị cấm.

  • “Chiếc tàu” (船) = “chu” (舟) + ”bát” (八) + ”khẩu” (口)

”bát” (八) là tám, ”khẩu” (口) là nhân khẩu.

Chữ “chiếc tàu” (船) gợi cho chúng ta nhớ lại chuyện ông Nô-ê đóng tàu để tránh cơn lụt Đại Hồng Thủy. Tại sao trong chiếc tàu lại có tám người mà không phải là một con số nào khác? Câu trả lời nằm trong Thánh Kinh như sau:

Đức Chúa Trời đã phán cùng ông Nô-ê:

“Ngươi hãy đóng một chiếc tàu bằng cây Gô-phe, đóng có từng phòng, rồi trét chai bề trong cùng bề ngoài…nhưng ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, rồi ngươi và vợ, các con và các dâu của ngươi, đều hãy vào tàu.” (Sáng-thế-ký 6.14, 18)

Ông Nô-ê và vợ của ông, ba người con trai của ông và ba người con dâu của ông, tổng cộng là tám người vào con tàu Nô-ê.

  • “Cấm” (禁) = “lâm” (林) + “thần” (示)

Tương tự như trên, trong chữ “cấm” (禁) gồm có chữ ““lâm” (林) và chữ “thần” (示). Đức Chúa Trời đặt ông A-đam và bà Ê-va mà Ngài đã tạo ra trong vườn Ê-đen. Ngài cho phép họ ăn tất cả các cây trong vườn kể cả cây sự sống nhưng cấm họ ăn cây điều thiện và điều ác. Chữ “lâm” để biểu hiện hai loại cây và chữ “thần” biểu hiện Đức Chúa Trời, chữ “lâm và chữ “thần” họp thành nên chữ “cấm.”

“Rồi Đức Giê-hô-va phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.” (Sáng-thế-ký 2.16-17)

  • “Hoàn thành” (完) = “nguyên” (元) + “miên” (宀)

“hoàn” (完): có nghĩa là đủ. Chữ “hoàn” là sự kết hợp của chữ “nguyên” (元) và chữ “miên” (宀). “Miên” nghĩa là nhà, “nguyên” (元) được kết hợp từ chữ “nhị” (二) và chữ “nhân” (儿).

Cấu trúc của chữ “hoàn” gồm có chữ “miên” nằm trên, chữ “nhị” nằm dưới và chữ “nhân” dưới cùng khiến cho ta phải có suy nghĩ: Sau khi tạo dựng ra người, một đàn ông một đàn bà, Đức Chúa Trời đã hoàn tất các công việc của Ngài, ngày thứ bảy Ngài nghỉ (ở nhà nghỉ) các công việc đã làm.

Và cũng còn rất nhiều ký tự khác của Trung hoa gợi lên cho chúng ta những câu chuyện trong Thánh kinh Cơ đốc giáo. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ nêu lên một số chữ điển hình.

Nghi thức thờ phượng Shang-Di của hoàng đế Trung Hoa khiến chúng ta liên tưởng đến sự việc Đức Giê-hô-va dạy dân sự của Ngài lập bàn thờ cho Ngài:

“Ngươi hãy lập cho ta một bàn thờ bằng đất, trên đó phải dâng của lễ thiêu, cùng của lễ thù ân của ngươi, hoặc chiên hoặc bò. Phàm nơi nào có ghi nhớ danh ta, ta sẽ đến và ban phước cho người tại đó. Nếu ngươi lập cho ta một bàn thờ bằng đá, chớ dùng đá chạm, vì nếu ngươi dùng đồ để chạm thì ta sẽ làm đá đó ra ô-uế.” (Sáng-thế-ký 20.24-25)

Và truyền cho ông Môi-se dạy lại ông A-rôn:

“rồi dạy A-rôn rằng: Hãy bắt một con bò đực đặng làm của lễ chuộc tội, một con chiên đực làm của lễ thiêu, đều không tì vít chi, và dâng lên trước mặt Đức Giê-hô-va.” (Lê-vi-ký 9.2)

Ông Trời, hay Thượng đế của người Trung Hoa có đầy đủ những thánh đức của Đức Chúa Trời theo như mô tả trong Thánh kinh của Cơ đốc giáo. Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo là Đấng toàn năng,

”Đức Giê-hô-va ở nơi cao có quyền năng
Hơn cả tiếng nước lớn,

Hơn các lượn sóng mạnh của biển” (Thi-thiên 93.3)

Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri:

“Nếu tôi nói: Sự tối tăm chắc sẽ che khuất tôi,
Ánh sáng chung quanh tôi trở nên đêm tối,
Thì chính sự tối tăm không thể giấu chi khỏi Chúa,
Ban đêm soi sáng như ban ngày,
Và sự tối tăm cũng như ánh sáng cho Chúa.”
(Thi-Thiên 139.11-12)

 Đức Chúa Trời toàn tại và cũng là Đấng nhân từ yêu thương, Đấng đời đời không thay đổi:

“Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi,
Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời”.
(Thi-thiên 100.5)

III/- Nho Giáo và Đức Chúa Trời

Trãi qua nhiều thế kỷ, Trời trong tâm khảm của người Trung Hoa đã không còn là Trời của thời thượng cổ mà chỉ còn lại một khái niệm lệch lạc, phảng phất một phần nào đó của Trời mà các vua Trung hoa đã từng thờ phụng. Đến thời Xuân thu, Khổng tử (722- 480 TCN) hệ thống hóa học thuyết Nho giáo và lập nên một học thuyết về nhân sinh triết học luận về vũ trụ. Đó là Hình Nhi Thượng Học. Trong chương Hình Nhi Thượng Học, Khổng tử viết rằng: Vũ trụ lúc ban đầu chỉ là một cõi hổn độn mờ mịt, không có sự phân biệt gì cả. Trong cõi hổn mang ấy có một cái lý quang minh linh diệu vô cùng. Cái lý linh diệu ấy cũng còn được người ta xưng tụng với những danh khác là Thượng đế, là Trời, Trời sinh ra người và vạn vật, Trời làm chủ tể cả muôn loài và hiện diện khắp mọi nơi. Vậy nên con người phải có bổn phận kính Trời và sợ Trời vì Trời là bản nguyên của muôn vật. Sách Lễ ký nói rằng: “Vạn vật bản hồ thiên …” (muôn vật gốc ở Trời) và trong mỗi con người sinh ra đều thụ hưởng một phần thiên lý, do vậy mà Trời và người có một mối tương quan với nhau rất mật thiết.

Từ việc quan sát các thể động của vạn vật và sự biến hóa của nó mà Khổng tử đã suy ra có một Đấng nào đó vô hình, ẩn khuất, tuyệt đối, quá linh diệu nằm ngoài phạm vi tri thức của con người mà ta không thể biết được chân tướng và bản thể. Do đó Khổng giáo chỉ bàn đến những động thể của Đấng vô hình ấy tức là những sự dịch chuyển trong vũ trụ.

Khổng giáo đã nhân cách hóa vị thần ẩn khuất và gọi đó là Lý Thái cực! Khổng tử đã  không có sự mặc khải từ Đức Chúa Trời về nguồn gốc của vũ trụ, con người và về chính Đức Chúa Trời như ông Môi-se, mà Thánh kinh Cơ đốc giáo đã ghi lại. Khổng tử tự mình dùng trí óc hữu hạn của loài người để hình dung ra Đấng tạo hóa. Ông khảo cứu những chế độ và phong tục thời cổ đại, nghiên cứu các tư tưởng thánh hiền các đời trước, suy ngẫm các sự biến hóa trong trời đất từ đó rút ra được cái triết lý: tất cả mọi vật trong vũ trụ đều có âm có dương thì mới sinh hóa được. Do vậy tạo hóa phải là hai cái tương đối âm dương, có âm có dương thì vạn vật mới được hình thành.

Về vũ trụ, trong chương viết về Hình Nhi Thượng Học, Khổng tử đã hình dung đúng theo như trong Thánh kinh Cơ đốc giáo ghi chép:

“Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.” (Sáng-thế-ký 1.2)

Nhưng về phần Đức Chúa Trời thì Khổng tử đã suy luận theo trí khôn của loài người. Khổng tử cho rằng: Vì cái lý ẩn khuất huyền bí và vô cùng linh diệu chúng ta không thể nhìn thấy nên thuộc “âm”. “Dương” là động thể của cái lý ấy là những gì mắt con người có thể nhìn thấy. Học về động thể của cái lý ấy để biết sự biến hóa của trời đất và vạn vật, trong Khổng giáo gọi là Dịch. Phải chăng cái lý quang minh linh diệu mà Khổng giáo chỉ biết là có sự hiện hữu trong vũ trụ, nhưng lại không thể nào hiểu rõ được chân tướng và bản chất của cái lý ấy là Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo?

Chúng ta thử liên kết triết lý “âm” và “dương” trong học thuyết của Khổng tử với giáo lý “Đức Chúa Trời Ba Ngôi” trong Cơ đốc giáo :

Chương đầu tiên trong Thánh kinh Cơ đốc giáo chép về công cuộc tạo dựng trời đất của Đức Chúa Trời như sau:

Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất, vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng…Đức Chúa Trời lại phán rằng:…Đức Chúa Trời lại phán rằng:…” (Sáng-thế-ký 1)

Đức Chúa Trời tạo dựng ra vạn vật chỉ bằng với LỜI phán. Sách Giăng ghi:

“Ban đầu có Ngôi-Lời, Ngôi-Lời ở cùng Đứa Chúa Trời, và Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.” (Giăng 1.1-3)

Ngôi-Lời mà ông Giăng ghi chép trong Thánh kinh Cơ đốc giáo (sách Giăng) là Đức Chúa Giê-su, Đức Chúa Giê-su ở trong Đức Chúa Trời, từ trời xuống thế gian để cứu chuộc nhân loại, mắt loài người được ngắm xem sự vinh hiển của Ngài nhưng loài người không công nhận Ngài:

“Ngôi-Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài.” (Giăng 1.10)

“Ngôi-Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1.14)

Con người sinh sôi nảy nở trên đất càng nhiều thì càng xa cách Chúa. Họ không còn nhận biết Đấng đã tạo dựng ra họ. Nhưng Đức Chúa Trời có lòng thương yêu nhân loại Ngài không nở hủy diệt loài người thêm một lần nữa như Ngài đã làm trong trận lụt Đại Hồng Thủy, nên Ngôi Hai của Ngài là Đức Chúa Giê-su xuống thế gian để dạy dỗ và cứu chuộc nhân loại biết quay trở về cùng Ngài để được thoát khỏi án chết. Chúng ta cũng biết Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời như Ngài đã khẳng định:

 “Ví bằng các ngươi biết ta, thì cũng biết cha ta; và từ bây giờ các ngươi biết và đã thấy Ngài.” (Giăng 14.7)

Và Đức Chúa Giê-su cũng đã rất tha thiết khi nói:

“Khi ta nói rằng ta ở trong cha và cha ở trong ta, thì hãy tin ta; bằng chẳng, hãy tin bởi công việc ta.” (Giăng 14.11)

Như vậy, Cơ đốc nhân nhờ có được sự mặc khải của Đức Chúa Trời qua Thánh kinh Cơ đốc giáo nên nhận biết được bản thể và thần tính của Đức Chúa Trời và cũng hiểu được giáo lý Ba Ngôi cách rỏ ràng hơn chứ không mơ hồ với triết lý âm, dương trong Khổng giáo.

IV /- Kết luận

Qua nghi thức thờ phụng Shang-Di của các vua Trung Hoa thời cổ đại, nghiên cứu chữ viết của người Trung hoa cỗ, chúng ta có thể liên kết: Shang-Di hay ông Trời mà các vua Trung hoa xưa thờ phụng có thể là Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo. Trải qua nhiều thế hệ người Trung Hoa bị tản lạc khắp mặt đất mang theo một phần kiến thức về Đức Chúa Trời nguyên thủy, sau đó họ sáp nhập thêm mỗi nơi một chút các nghi thức thờ cúng các thần xa lạ, lâu dần hình thành nên một ông thần riêng của họ, hoàn toàn xa lạ với Đức Chúa Trời của buổi ban sơ.

Hoa Thiên Lý

Tài liệu tham khảo

1/ Roy L. Hales, A Biblical Interpretation of World History http://xenohistorian.faithweb.com/
2/ Trần Trọng Kim, Nho giáo, 1971
3/ Éthel Nelson, The Original “Unknown” God of China, 
http://www.answersingenesis.org/articles/cm/v20/n3/china

Tiết mục: