Đức Chúa Trời
Chân-Giả luận
Khoa Học & Triết Lý
Văn Hoá & Xã Hội
Trong một bài trước đây của tác giả Lê Anh Huy,"Đạo của Đức Chúa Trời nhập thế hay xuất thế," chúng tôi đã bàn tới sự liên hệ của tín đồ tin Chúa với đời. Nói cụ thể hơn, khi nào một tín đồ phải rút lui khỏi đời (hay xuất thế) và khi nào thì hắn nên tham gia vào đời (hay nhập thế). Trong bài này, chúng tôi bàn đến sự liên hệ của Đức Chúa Trời với loài người.
Đức Chúa Trời không tạo dựng ra loài người rồi vắng mặt khỏi loài người để họ tự do cấu xé nhau. Một người khi nhìn vào lịch sử của thế giới, thấy các chính quyền tranh dành đấu đá lẫn nhau, tàn diệt lẫn nhau, gây đau thương cho thường dân vô tội, thường mang ý nghĩ rằng không có Ông Trời, hay nếu có thì Ngài cũng vắng mặt để cho loài người tự do làm gì thì làm. Cụ thể là tại Việt Nam, một dân số tới gần 100 triệu, nhưng chỉ có một số rất ít người tin Chúa, và ngay cả trong số ít này, cũng có người không tin rằng Đức Chúa Trời có liên hệ với loài người về mặt chính trị. Số không tin Chúa nghĩ rằng, Ông Trời ở đâu trong khi đại đa số dân chúng sống trong áp bức bởi một chính quyền tàn ác. Do đó, một là, nếu có Ông Trời thì Ông quá yếu đuối không thề kềm chế chính quyền ác độc đó; hay là, chẳng có Ông Trời nào cả. Trong số rất ít kia, có rất nhiều người cho rằng Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết nên Ngài chẳng nhúng tay vào sự nhơ nhớp của nền chính trị loài người.
Cả hai nhóm người đó đều có ý nghĩ nghịch kinh thánh.
Tư tưởng của nhóm thứ nhất khi cho rằng một là không có Ông Trời, hai là có, nhưng Ông yếu đuối không kềm chế nổi bạo quyền, nói cho cùng xuất phát từ một mẫu số: Sự hiện hữu của một Ông Trời Toàn Năng phải đi đôi với sự vắng mặt của Sự Dữ; hay nói một cách khác, Ông Trời và Sự Dữ không tồn tại với nhau. Sự Dữ ở đây là bất cứ nguyên nhân gì gây đau khổ; hoặc là bởi thiên nhiên (mà chúng ta gọi là thiên tai, như động đất, núi lữa, bão biển, lụt lội, sóng thần, v.v.) hay bởi con người (nhân tai, như đàn áp từ chính quyền, sát nhân, bốc lột, cướp bóc, v.v.). Cụ thể cho trường hợp Việt Nam, nhân tai mà chúng tôi bàn ở đây là sự trấn áp của chính quyền cộng sản đối với dân chúng Việt Nam, được hậu thuẫn bới đảng cộng sản Trung Hoa.
Tuy nhiên, Thánh Kinh dạy rằng, Đức Chúa Trời, hoặc khi Ngài thụ động cho phép Sự Dữ xẩy ra, hoặc có khi Ngài chủ động đem Sự Dữ đến cho loài người với mục đích trừng phạt, hay kỷ luật, để đem loài người tới sự ăn năn. Sự Dữ và Đức Chúa Trời vẫn tồn tại song song cho tới một thời điểm, khi Ngài đạt được mục đích riêng của Ngài, khi đó Sự Dữ mới hoàn toàn tận diệt. Trước khi điều này xẩy ra, mọi người trong chúng ta đều vửa là người gây ra sự dữ, cũng vừa là nạn nhân của sự dữ. Chúng ta có nghĩ lại chăng, trong lịch sữ 4 ngàn năm của Việt Nam, chúng ta đổ không biết bao nhiêu máu để chống lại sự đồng hóa của nước phương Bắc, nhưng cũng chính chúng ta đã tận diệt và đồng hoá dân Chiêm Thành? Chúng ta có nghĩ lại chăng nếu toàn dân miền Nam Việt Nam đều có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời thì Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã không có đất để tuyên truyền? (Có phải lỗ tai của chúng ta chuộng điều láo, và cái miệng của chúng ta ưa đều dữ?) Trong tất cả những sự dữ này, Đức Chúa Trời vẫn có quyền bính trên chúng, nhưng Ngài cho phép chúng xẩy ra để cho lịch trình của Ngài được hoàn thành. Thiện cuối cùng sẽ thắng; Ác cuối cùng sẽ bị tiêu diệt theo lịch trình của Đức Chúa Trời. Về phần con người, chúng ta không được tham gia vào sự dữ vì sau này, khi gặp Đấng Sáng Tạo, chúng ta phải trả lời với Ngài mọi việc chúng ta làm hồi còn sống.
Đức Chúa Trời có quyền bính trên công việc của loài người. Đức Chúa Trời lập vua và phế vua (Thánh Kinh, Sách Đa-ni-ên 2:21). Không có một chính quyền nào, kể cả bạo quyền, mà Ngài không lập ra. Người chưa tin Chúa không thể vì sự chậm tay của Ngài để cho rằng không có Ông Trời hay Ông Trời quá yếu đuối không kềm nổi bạo quyền. Người đã tin Chúa phải nắm một chân lý rằng, Đức Chúa Trời không vì tuyệt đối Thánh Khiết mà Ngài không nhúng tay vào việc của loài người. Dù cho Đức Chúa Trời có khi chủ động đem đến Sự Dữ vì mục đích của riêng Ngài, và chỉ có Ngài mới biết, người đã tin Chúa không được nói láo theo bạo quyền, hợp tác với họ để trấn áp đồng hương, hùa theo họ để được ban sự dễ dàng cho bản thân. Người theo Chúa phải hành động như những ngọn đèn sáng, được đặt trên cái thúng, chứ không phải trong cái thúng (Thánh Kinh, Sách Ma-thi-ơ 5:15-16).
Lê Anh Huy