Đức Chúa Trời
Chân-Giả luận
Khoa Học & Triết Lý
Văn Hoá & Xã Hội
Người tin Chúa biết rằng luật pháp của Đức Chúa Trời tóm gọm trong câu: "Điều lớn nhất là yêu Đức Chúa Trời với hết cả trái tim, hết cả hồn và hết cả trí; và điều thứ hai là yêu người hàng xóm như chính mình" (Thánh Kinh, Sách Ma-thi-ơ 22:37, 39). Người chưa tin Chúa mặc dù có thể không đọc Thánh Kinh, cũng biết rằng mình không nên giết người, ăn trộm của người, lấy vợ của người, nói dối để hại người, v.v. Sở dĩ họ biết được các điều này, vì Đức Chúa Trời đã gieo luật pháp của Ngải vào trong lương tâm của mỗi người để sau này, tại lúc Phán Xét cuối cùng, mọi người khỏi chối được tội của mình. Phạm tội không chỉ gây tác hại đến người khác, nhưng đối với Đức Chúa Trời, khi ta thấy điều phải làm mà đè nén lương tâm, cố tình không làm là ta đã phạm tội.
1- Trả nợ cho người:
Tội lỗi là sự vi phạm (hay bẻ gãy) luật pháp của Đức Chúa Trời. Khi mình phạm tội, mình đã mắc nợ với người mình phạm tội cùng và cả với Đức Chúa Trời, vì mình đã vi phạm luật pháp của Ngài. Đối với Đức Chúa Trời, "nợ" do phạm tội cũng giống như nợ tiền bạc. Sự đồng nhất giữa "tội" và "nợ" thể hiện rõ ràng trong bài cầu nguyện mà Đức Chúa Giề-su dạy cho các môn đồ: "...Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con tha cho kẻ có nợ với chúng con..." Nợ phải được dàn xếp giữa hai bên. Khi chúng ta "mắc nợ" ai (tức là phạm tội cùng ai) chúng ta phải hoà giải với họ, tức là trả lại cái mình đã lấy của họ, và giải hoà cả với Đức Chúa Trời. Nếu mình cố ý giết người, mình phải đền mạng; nếu mình móc mắt của người khác, thì mình phải bị móc mắt lại để trả; nếu mình bẻ răng của họ, thì mình cũng phải bị bẻ răng lại: "Mắt đền mắt, răng đền răng." Nợ máu phải được trả bằng máu; nợ vật phải được trả bằng vật.
2- Trả nợ cho Đức Chúa Trời:
Nợ với người còn có thể trả được, còn nợ với Đức Chúa Trời thì ta trả bằng cách nào? Chúng ta không thể "từ từ" mỗi kiếp trả một chút, vì con người chỉ sống một lần. Cho dù chúng ta có sống được muôn vạn kiếp chăng nữa, vật hoàn nợ của chúng ta vẫn không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Do đó, niềm tin vào "kiếp" và tu tập là ý muốn quỵt nợ. Khi chúng ta có ý quỵt nợ, chúng ta chất nợ mới lên nợ cũ vì chúng ta đã phạm thêm tội mới dù nó chỉ ở trong tư tưởng.
Nhưng may mắn thay, Đức Chúa Trời đã cung cấp cho chúng ta một con đưởng thoát nợ. Đó là trả nợ với Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu thế Giề-su. Khi Đức Chúa Cứu Thế Giề-su chịu trừng phạt trên thập tự, Ngài đã gánh chịu tất cả tội lỗi của nhân loại, từ quá khứ đến tương lai. Khi tiếp nhận Cứu Chúa Giề-su, Đức Chúa Trời không nhìn chúng ta là một người phạm tội, nhưng là một người trong sạch vì Cứu Chúa Giề-su đã trả hết nợ cho chúng ta. Tiếp nhận Đức Chúa Giề-su, chúng ta, là phạm nhân trở nên những con người tự do khỏi tội.
Lê Anh Huy