Error message

  • Deprecated function: implode(): Passing glue string after array is deprecated. Swap the parameters in drupal_get_feeds() (line 394 of /home3/thanhkin/public_html/hoptinhhoply.org/includes/common.inc).
  • Deprecated function: The each() function is deprecated. This message will be suppressed on further calls in menu_set_active_trail() (line 2394 of /home3/thanhkin/public_html/hoptinhhoply.org/includes/menu.inc).

Sự tu tập của Phật tử Việt Nam

Vì đạo Phật được xem là quốc giáo ở Việt Nam (cũng như các nước khác như Thái Lan, Cam-pu-chia và Ai Lao) nên chùa chiền ở Việt Nam - đa số theo Bắc tông - rất nhiều. Để biết rõ về sự tu tập của Phật Giáo Việt Nam, chúng ta hãy nhìn nó một cách khách quan và trung thực: từ khía cạnh bên ngoài của cảnh vật chùa với sự thu hút mãnh liệt, đến khía cạnh bên trong của giáo lý với những pháp môn tu hành, cùng sự tầm cầu công phu kiên trì dằm thắm vào tận tâm cang một cách đáng thương. Chính tôi là người chạy theo những hoài bão xa vời này, cố nắm bắt cảnh giới huyền ảo đó một cách không tưởng và vô vọng.

Sự thu hút của ngoại cảnh chùa Phật giáo:

Đạo Phật có những ưu điểm là sự yếm thế, vắng lặng, yên tĩnh, thanh tịnh và đạm bạc, xa lánh chốn phồn hoa đô hội để tu hành, song cửa chùa luôn rộng mở chào đón khách thập phương. Cảnh chùa thường trụ là nơi trang nghiêm thanh tịnh, yên lặng, hoa lá cây cỏ nên thơ. Ai đặt chân đến đều có cảm giác thoát ly trần tục. Sự thu hút của cảnh vật chùa khiến người ái mộ ở mọi tầng lớp xã hội tìm đến đều được thỏa lòng. Người ta đến chùa để hành hương, cúng dường, bố thí, cầu phước, cầu tự, cầu lộc, cầu tài, cầu an. Cảnh chùa thu hút mọi giới sĩ, nông, công, thương ở mọi hoàn cảnh:

  • Đối với kẻ sĩ: Vì công việc mệt mỏi tâm trí căng thẳng có nhiều suy tư lo lắng phiền muộn là lòng muốn đến nơi vắng lặng yên tĩnh để thư giãn tâm hồn, tìm đến cửa Phật: Được thỏa mãn.
  • Đối với nông dân: Tay lắm chân bùn còn gọi là bần cố nông vui thích thú điền viên ẩn dật, tâm hồn chất phát mộc mạc phù hợp với sự ăn mặc nâu sòng đạm bạc, họ tìm đến cửa Phật: Được thỏa mãn.
  • Đối với công nhân: Việc làm vất vả mệt nhọc, dùng công sức lao động đáp ứng cho nhu cầu ăn và mặc, căng thẳng, ưu phiền, lo lắng, lòng cũng muốn thư thái tìm đến cửa Phật: Được thỏa mãn.
  • Đối với thương nhân: Làm kinh tế thì thương trường là chiến trường, đấu tranh, thủ đoạn để vượt hơn các thương hiệu khác, cạnh tranh không ngừng tìm đủ phương cách sáng kiến thắng lợi để ứng phó kịp với thị trường vì nếu thất bại họ có thể tán gia bại sản nên sự khao khát nghĩ ngơi thư giãn an tịnh là tìm đến cửa Phật: Được thỏa mãn.
  • Đối với người thất vọng: Vì gia cảnh chia ly, tình yêu đổ vỡ, sự đau khổ tuyệt vọng chán chường của kẻ thất tình là muốn giải tỏa ức chế, đều muốn tìm kiếm niềm an ủi cho tâm hồn thanh thãn ở sự từ bi hỉ xả trong đạo Phật, tìm đến cửa Phật: Được thỏa mãn.
  • Đối với người muốn được suy tư một mình: Vì thấy mất niềm tin trong cuộc sống, muốn tìm lại và phục hồi con người của chính mình, tìm đến cửa Phật: Được thỏa mãn.

Tất cả đây chỉ là ngoại cảnh mà có sức thu hút ảnh hưởng đến như vậy! Một khi thân và tâm của người được thỏa mãn thì không cần bàn đến chân lý gì gì nữa. Họ chỉ nghĩ một điều duy nhất là tạo được nghiệp thiện để luân hồi. Họ còn thề non hẹn biển gặp nhau ở kiếp sau nữa. Chẳng riêng gì Phật tử có ý nghĩ như thế mà cả đến các vị Đại đức, Chư tăng, Chư ni cũng đều nghĩ như vậy. Họ mong cầu ở kiếp sau và còn nhiều nhiều kiếp nữa để tu hành đắc đạo quả La hán nhập Niết bàn, vì Đức Phật đã phải tu muôn nghìn kiếp mới thành Phật kia mà.

Nói về việc luân hồi trong đạo Phật thì người tạo nghiệp thiện sẽ được luân hồi về cõi trời, người và A-tu-la (thần thiện, ác). Nếu tạo nghiệp ác thì về cõi súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ. Nhưng Đức Chúa Trời dạy đời người chỉ có một kiếp mà thôi chứ không có nhiều kiếp khác. Loài nào phải sanh sãn theo loài đó không thể chuyển thành loài khác được. Còn chúng ta là loài người cao quý được dựng nên giống hình ảnh Ngài và đựợc Ngài ban sanh khí để trở nên một loài sanh linh thì không thể tái sinh thành loài ngạ quỷ hoặc súc sanh được: “Gia-vê Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người hà sanh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng-thế-ký 2:7).

Sự tu tập:

  • Người Phật tử: Nói đến việc tu tâm dưỡng tánh, với tiếng mỏ hồi chuông kinh kệ công phu thì Phật tử ngày đêm tâm tâm niệm niệm không rời câu “A di đà” kể cả trong giấc ngủ, bửa ăn, trong đi đứng nằm ngồi gắn liền với sự lần chuỗi bồ đề. Là cư sĩ tịnh độ tại gia cũng giữ ngũ giới ăn mặc nâu sòng, trường chay dưa muối kỉnh kiền.
  • Tôi tu thiền: Tu thiền là khắc phục tâm mình bám chặt vào đề mục. Tôi tuy chưa xuất gia vẫn tự giác học hỏi và giử 10 giới của Sa di. Có lần tôi cùng một đạo hữu ở Cần thơ được dự khóa học thiền định 10 ngày tại trường thiền Biên Hòa ở tận đồi Lá Giang rất vắng lặng, có cả bãi tha ma và những ngôi cổ mộ mà nhiều vị thích ngồi thiền ở đấy càng được yên tịnh hơn. Nơi đó các sư thầy mỗi người tu một cốc riêng mình, vì là “tự mình làm hòn đảo cho mình và tự mình thắp đuốc lên mà đi” nên mỗi người tự phát huy năng lực riêng để hành thiền; đó là sự tự tu tự chứng vậy.

Số thiền sinh chúng tôi đến đó ở chung nhau. Từ sáng sớm 5 giờ đổ kiểng, chúng tôi đều thức dậy đi kinh hành vòng quanh các khuôn viên rộng lớn của chùa một cách riêng rẽ (không phải đi chung hoặc sắp hàng tập thể). Như vậy chúng tôi mới có thể để tâm chánh niệm tỉnh giác1 giữa nơi tỉnh lặng âm thầm đơn độc như thế. Đến 6 giờ, sau khi ăn điểm tâm xong, chúng tôi nghĩ chốc lác. Đến đúng 7 giờ đổ kiểng, chúng tôi cùng vào lớp học tụng kinh Tam bảo. Sau đó, vị Thiền sư hướng dẫn cách ngồi và niệm để chúng tôi có thể thích ứng với pháp sanh diệt2 xảy ra cho mình khi bị tê chân. Rồi chúng tôi bắt đầu thực hành thiền định, có người ở lại trong trường thiền, có người đi tìm nơi vắng vẻ ngồi một mình.

Chúng tôi hành thiền kéo dài cho đến giờ độ ngọ3, vì trì giới là không được ăn sái giờ. Có người còn tự nguyện thọ thực một bửa trưa mà thôi; còn suốt buổi chiều và tối chỉ uống nước cầm hơi, tu luyện ngày đêm 3 thời như vậy. Nếu trò nào lúc ngồi xếp bằng nhắm mắt định tâm có thấy những hiện tượng hay hình ảnh gì thì đến báo trình với thiền sư xem có phải là kết quả ấn chứng hay ảo giác.

Tôi ngồi thiền với đôi chân xếp bằng, bàn chân lật ngửa lên, nhắm mắt để tâm theo dõi hơi thở ngắn dài, mạnh yếu mà đếm số tức quan4. Khi đang niệm như thế thường hay bị phóng tâm hoặc ngủ gật. Đôi chân thì tê buốt cứng ngắt, có cảm tưởng như khúc gổ. Tôi không còn cảm giác là đôi chân của mình nữa, đau nhức khó tả, vẫn cố gắng không nhúc nhích, lại còn bị muỗi chích đau ngứa cảm giác rất khó chịu. Tôi vẫn kiên trì giữ nguyên tư thế ngồi suốt thời gian dài như đang mang một khổ hình, nhưng tâm luôn nghĩ mình đang làm việc cao thượng nhất đời vì tâm hồn thoát được trần ai tục lụy, sự cao quí đáng được tôn nghiêm kỉnh kiền. Tâm thì nghĩ thế nhưng lòng muốn xả bỏ thân xác khốn khổ của mình song nghĩ đến điều vô ngã mà tự hào.

Sau mười ngày học trong khuôn viên trường thiền, tôi không tiếp xúc với một ai, khác nào thoát ly trần tục. Trên đường về bước chân nặng nề như kẻ mất hồn, tôi tự hỏi mình hiện giờ có còn là mình không hay trở thành người “cõi trên”?

Y Người xuất gia: Học và hành trong tám muôn bốn ngàn pháp môn gồm ba tạng kinh: Kinh có 21 ngàn pháp môn; luật có 21 ngàn pháp môn; luận có 42 ngàn pháp môn. Tất cả là 84 ngàn pháp môn.

Chư tăng phải đơn độc không gia đình vợ con, cắt ái ly gia để tránh mọi ràng buột về chuyện vợ chồng thế tục, khép mình trong giới luật trường chay khổ hạnh, đầu không nón, chân không giày, đội nắng dầm sương khắc khổ suốt tháng quanh năm đến cả đời mong tìm phương giải thoát nghiệp chướng luân hồi, nào ai biết ra sao ngày sau rốt cuối cùng của cuộc đời mình là “Vô định”: “Họ sẽ cấm cưới gả và biểu kiêng các thức ăn Đức Chúa Trời đã dựng nên cho kẽ có lòng tin và biết lẽ thật tạ ơn mà dùng lấy. Vả mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy (I Ti-mô-thê 4:3-4).

Đến việc tu hành thiền định của chúng tăng càng dày công khổ luyện nhiều hơn nữa! Ban đêm ngồi thiền là giấc ngủ của các Sư ở ngoài trời, mặc cho lũ muỗi hoặc côn trùng hoành hành thân xác. Thiền sư hành đại định khổ công quán xét về sự chết, hài cốt, v.v thì đến nơi cổ mộ, bãi tha ma cho hợp với cảnh tu trì mong đạt đến “diệt thọ tưởng định”5.

Những tác hại khi hành thiền:

Có những vị trong việc tu tập thiền định hành không đúng phương pháp vì không chánh niệm tỉnh giác. Dù cũng ngồi thiền được rất lâu nhưng để tâm xa rời thân xác: phóng tâm, tâm hướng lên tầng trời nào đó hoặc dự đại hội Long hoa6 chẳng hạn. Lúc đó thân họ như cái nhà hoang vô chủ, bị ma quỷ nhập vào nên bị “tẩu hỏa nhập ma,” bị ảo giác, tâm thần tán loạn, điên đảo, thật là nguy hiểm! Hoài bảo của họ đã trở thành ảo vọng; tất cả trở thành cực hình cho thân tâm.

Cách đây đã lâu ở chùa CB Cần thơ cũng có xảy ra vụ ấu đã đến chém giết nhau thành án mạng, lý do là các thầy tu hành thiền định bị “tẩu hỏa nhập ma” không tự chủ được mình nên mới sanh ra chuyện hành hung như vậy. Thật trái ngược với câu nói của Chúa Giê-su: ”…kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10).

Còn những điều không ngờ nữa đến với người tu thiền định sau thời gian ngồi thiền, vì quá cố gắng chịu đựng sự đau nhức tê dại của đội chân mà hậu quả là phải bị các chứng bệnh nguy hại: bệnh thần kinh tọa, nhức khớp dẫn đến bệnh tim mạch rất khốn khổ. Như câu chuyện người bạn trẻ của tôi: cô ấy đi Thái Lan tu học thiền định vài tháng đến lúc về nhà trông cô ấy như một lão bà, vì mỗi khi ngồi xuống đứng lên rất khó khăn, phải dùng tay chống chõi và từ từ đứng lên cách chậm chạp đau đớn; nỗi thống khổ đè nặng lên người Phật tử siêng năng hành đạo như cô ấy thật đáng thương. Dù tai hại đến tính mạng song phần đông vẫn tự hào vì theo gương Đức Phật bố thí thân xã bỏ thân mình. Đến việc tự thiêu thân mình còn không tiếc nữa là, nói chi đến việc khổ công tu luyện mà kết liễu cuộc đời tạm bợ trên thế gian này theo họ nghĩ là cũng đáng! Chúng ta cảm thấy thương tiếc thay công ơn sáng tạo của Đấng Thiên phụ cùng sự ban cho với tấm lòng yêu thương nhân từ bảo tồn vạn vật của Ngài mà người ta không mảy may đến đáp được, lại còn đi hủy hoại bản thân, phụ ơn Đấng Tạo Hóa mình: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hể ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Khổ công tu tập như thế cho đến hết cuộc đời. chúng ta nhìn vào sẽ thấy đời còn nghĩa lý gì đâu? Cái thân xác cha sanh mẹ đẻ mà Đấng Hóa Công sáng tạo nên có phải để mình chịu đọa đày khổ hạnh hủy hoại đến thế sao?!

Hướng về Đấng Tạo Hóa:

Trãi qua quá trình tu tập giáo lý Phật, tôi tự biết mình không thể đạt được đạo quả. Dù cho có tận lực hết mình cũng chỉ là tạo nghiệp thiện để luân hồi kiếp sau. Rồi tôi tự hỏi nếu không có luân hồi kiếp sau thì mình làm sao tự cứu? Tôi đắn đo suy nghĩ về sự lựa chọn của mình sao cho đúng giữa hai con đường: Nếu tôi chọn đi theo Đức Chúa Trời mà triết thuyết về luân hồi của Phật Thích Ca là đúng thì cũng không hại gì vì tôi còn có nhiều kiếp để lựa chọn lại. Còn nếu tôi chọn con đường theo Phật mà bỏ Đức Chúa Trời thì tôi không còn cơ hội để sữa sai; linh hồn sẽ bị hư mất vào hỏa ngục vì không còn kiếp nào khác cho tôi sửa nữa.

Đấng Tạo Hóa đã tạo ra loài người ở thế gian này chẳng lẽ Ngài để cho chúng sanh vào hỏa ngục hết sao? Dĩ nhiên Ngài có cách bảo tồn vì lòng yêu thương nhân loại. Đây là lý do Đấng Cứu Thế Giê-su giáng trần để làm trọn chương trình ấy. Cứu rỗi là món quà ân sủng của Đấng Tối Cao ban cho, chứ không thể cậy vào tài năng của con người làm: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8–9). Do thần tánh Thiên thượng mà huyết báu của Chúa Giê-su cứu chuộc được biết bao tội lỗi của nhân loại.

Tại sao chúng ta lại khổ công tìm kiếm, dầy công tu tập cách bất lực và vô định như thế? Sao không cậy vào quyền năng của Đấng Thiên Thượng, Đấng đã sáng tạo muôn loài vạn vật? Chỉ Đấng ấy mới có quyền định đoạt số phận của vật thọ tạo mà thôi. Đây là mục đích cuối cùng để ta hướng đến: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ-các-sứ-đồ 4:12).

Lời cầu nguyện của tôi là: “Kính lạy Thiên Phụ từ ái, xin tha thứ sự cứng lòng chặt dạ của Phật tử Việt Nam, xin Chúa chọn và kêu gọi họ đầu phục để linh hồn họ không bị hư mất, nhờ ơn phước của Chúa ban cho. A men “

Ngọc Xuân

Thứ bảy 23/10/2010

Ghi chú:

1/ - Chánh niệm tỉnh giác: là biết rõ ghi nhớ
2/ - Pháp sanh diệt: là bị tê nhức, ngứa, v.v do ngồi thiền sanh ra rồi niệm cho mất là diệt
3/ - Độ ngọ: ăn đúng 12 giờ trưa
4/ - Số tức quan: là đếm số thứ tự khi hít vào thở ra
5/ - Diệt thọ tưởng định: tầng thiền cao nhất không còn cảm xúc và ý tưởng
6/ - Đại hội Long Hoa: theo như người ta hiểu, đây là tên một hội lớn trên trời

Tiết mục: