Đức Chúa Trời
Chân-Giả luận
Khoa Học & Triết Lý
Văn Hoá & Xã Hội
Gần đây trên Facebook có lưu hành một bài thơ của một cô giáo tên là Trần Thị Lam, dạy trường Trung Học Phổ Thông Hà Tĩnh. Bài thơ này gây sốt cho cộng đồng mạng: một số ủng hộ hết lời, còn số khác họa thơ lại để phản bác. Chúng tôi đăng lại bài thơ "Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh" sau đây:
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
Nói tóm lại, trong bài thơ này, cô giáo Lam có những nhận xét sau đây về đất nước và con người Việt Nam: Lịch sử thì già nua, nhưng dân tình thì như con nít, câm nín trước bất công xã hội (đoạn 1), thích hoành tráng bên ngoài trong khi xem rẻ mạng sống của con người (đoạn 2), tàn phá thiên nhiên (đoạn 3), nợ nần quốc gia chồng chất (đoạn 4). Trong đoạn 5, cô tự hỏi đất nước Việt Nam sẽ về đâu, như một người đứng trước đường rầy xe lữa, tự hỏi khi nào hai song rầy gặp nhau. Dù có một địa vị khiêm nhường trong xã hội, cô giáo Lam đã trở nên một người "khổng lồ" theo quan điểm của chúng tôi vì cô là một trong số rất ít người Việt Nam có cam đảm công khai nói lên một sự thật mà vì nó cô có thể đi tù. Ai cũng có thể có những nhận xét như trong đoạn 2, 3 và 4, nhưng nhận xét trong đoạn 1 của cô mới thật là nhận xét cách mạng. Nhận xét đó của cô có một chiều sâu tâm linh mà chúng tôi sẽ bàn qua dưới đây.
Tại sao một dân tộc đã sống hơn 4 ngàn năm mà tinh thần vẫn như con nít? Thánh Kinh có lời giải thích như sau: "The simple believes everything, but the prudent considers his steps." (Hay: "Kẻ giản dị tin mọi thứ, nhưng người kỹ lưỡng xem xét những bước đi của hắn" (Châm ngôn 14.15). Trong câu Thánh Kinh này có một chữ đáng bàn. Đó là chữ "simple" hay "giản dị"; cả hai đều mang nghĩa tốt trong cả hai ngôn ngữ Anh và Việt. Tuy nhiên trong ngôn ngữ Do-thái cổ, tức ngôn ngữ viết lên Thánh Kinh Cựu Ước, chữ này có nghĩa "nhẹ dạ hay cả tin, hay dễ bị lừa."
Nhìn lại cận sử Việt Nam, những hoạn nạn ngày nay dân tộc Việt Nam phải chịu, đều là hậu quả trực tiếp từ sự nhẹ dạ cả tin của người Việt. Người Việt đã tin vào chủ nghĩa cộng sản, có thể giải phóng mình khỏi nạn thực dân và bất công xã hội. Người Việt tin vào một người có râu "hiền từ" và tôn ông ta lên thành "cha già dân tộc." Lâu nay người Việt tin văn hoá của người Trung Hoa, bây giờ tin thêm văn hóa Hàn Quốc, và chủ nghĩa vật chất của Tây Phương. Người Việt tin vào đủ thứ thần thánh và ma quỉ như sử gia Trần Trọng Kim nhận xét trong Việt Nam Sử Lược: “Hay tin ma tin quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tông giáo nào cả."
Tâm linh ảnh hưởng lên tinh thần; sức khỏe tinh thần ảnh hưởng lên thế chất. Vì người Việt cả tin, nên bây giờ dân tộc Việt mới đứng bên bờ vực thẳm như cô giáo Lam đã gióng lên tiếng chuông báo động. Nếu không đi tìm Đức Chúa Trời để Ngài ban cho sự khôn ngoan, rất có thể dân tộc Việt sẽ không tránh được họa diệt vong như Đức Chúa Trời đã từng cảnh cáo dân tộc Do-thái: "Dân ta bị diệt vì thiếu kiến thức" (Ô-sê 4.6).
Lê Anh Huy