Đức Chúa Trời
Chân-Giả luận
Khoa Học & Triết Lý
Văn Hoá & Xã Hội
Cho dù sách vở báo chí phi tôn giáo quả quyết rằng tiến hóa—tức là quá trình các chất hóa học kết hợp ngẫu nhiên thành một đơn bào; đơn bào tiến hóa thành đa bào,…, thành một con vật đơn giản,…, thành khỉ và thành người—là một chân lý nhưng thực tế chẳng có ai biết được đời sống bắt đầu như thế nào. Từ khi cuốn Nguồn Gốc Các Loài của Charles Darwin được xuất bản (1859) cho đến nay, biết bao nhiêu sức lực con người đổ ra để chứng nghiệm thuyết tiến hóa là chân lý nhưng sự sống bắt đầu như thế nào vẫn còn là một bí nhiệm. “Vì sự sống xẩy ra trước đây quá lâu, tất cả dấu vết hóa học đã bị xóa nhòa, chừa lại nhiều chổ trống cho sự võ đoán và bất đồng” báo Nghiên Cứu và Phát Triển (R&D) trong bài “Các nghiên cứu gia đề nghị một phương thức mới để nhìn vào buổi bình minh của sự sống” (“Researchers propose new way to look at the dawn of life”) viết. Như vậy thuyết tiến hóa Darwin sau cùng vẫn còn là một lý thuyết chưa được chứng nghiệm, nghĩa là nó không phải là một chân lý như các tiến hóa gia quảng cáo.
Đây là một bế tắc của các tiến hóa gia, vì nếu không chứng minh được sự sống tiến hóa từ các chất hóa học vô sinh thì phải chấp nhận Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo ra muôn loài. Đây là điều người vô thần không muốn chấp nhận. Để giải quyết bế tắc này, Paul Davies, giáo sư và nghiên cứu gia tại Arizona State University (ASU), và cộng sự viên của ông là Tiến Sỹ Sara Walker đề nghị một phương thức mới để đi tìm nguồn gốc của sự sống. Đó là thay vì tập trung đi tìm bằng chứng “cứng” tức là dấu vết vật thể, giới khoa học nên tập trung vào bằng chứng “mềm.” Đối với một sinh vật, “phần cứng” nói về tất cả các thành tố vật chất cấu tạo nên sinh vật đó, như các cơ quan trong người, bộ xương, DNA, các chất hóa học cấu tạo lên các bộ phận đó, v.v. Còn “phần mềm” tức là luợng thông tin chứa đựng trong DNA, hay lượng thông tin được chuyển vận từ não bộ tới tứ chi, v.v. Nói một cách khác, thay vì tập trung công sức để đi tìm bằng chứng cứng “đụng chạm được,” chúng ta nên đi tìm bằng chứng mềm “không thể đụng chạm được.”
Tuy nhiên, con đường “phần cứng” hay con đường “phần mềm” cũng dẫn tới cùng một chướng ngại. Đó là, làm thế nào các chất hóa học, điển hình là các chất C(arbon), O(xygen), H(ydrogen), N(itrogen) tự động ráp lại vào nhau để thành chuỗi DNA mang thông tin di truyền? Chúng ta đơn cử một thí dụ. Chúng ta đặt một đứa trẻ lên ba trước một cây đàn piano và bảo em chơi một bài nhạc. (Trong thí dụ này, cây piano là “phần cứng” và bài nhạc là “phần mềm.” Giả dụ là nhờ "duyên" kỳ diệu nào đó, các thành phần vật liệu của cây đàn tự ráp lại với nhau để thành cây đàn!) Chúng ta sẽ nhận ra ngay là em bé ba tuổi đó sẽ không bao giờ chơi được một bài nhạc nào cả; tất cả những cú gỏ của em trên phím đàn chỉ là những nốt ngẫu nhiên, và ngẫu nhiên không hình thành được một âm thanh có ý nghĩa, chứ chưa nói đến hay. Tương tự như vậy, đặt 24 chữ cái và các dấu tiếng Việt bằng gỗ trước mặt em (đây là “phần cứng”) và bảo em xếp chữ lại thành một bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan (đây là “phần mềm”), thì sự sắp xếp của em chỉ thành một mớ chữ cái và dấu lộn xộn. Em có thể ngẫu nhiên xếp thành chữ “BA” hay “MẸ” nhưng muốn sáng tác một bài thơ Đường thì cần phải học tới một trình độ nào đó chứ không thể đến từ một quá trình ngẫu nhiên được. Chơi một bài nhạc Beethoven trên phím piano hay sáng tác một bài nhạc cũng vậy, cần đến óc sáng tạo và kỷ năng chứ không thể nhờ vào ngẫu nhiên được.
Đề nghị của Paul Davies chính thức và công khai công nhận trường phái “phần cứng” theo Darwin là vô vọng; công trình của các tiến hóa gia trong 150 năm qua là hư vô. Tuy nhiên, con đường “phần mềm” của ông cũng sẽ dẫn tới cùng một một ngỏ cụt. Đó là các tiến hóa gia “phần mềm,” nếu có người “mắc câu” Paul Davies mà đi vào con đường này, sẽ không bao giờ giải thích được là như thế nào thông tin có một cách ngẫu nhiên. 150 năm đã trôi qua vô ích, và nhiều thế kỷ sẽ trôi qua vô ích nữa vì nhiều người không thể chấp nhận một điều: Đó là có Đấng Tạo Hóa tạo dựng ra muôn loài.