Đức Chúa Trời
Chân-Giả luận
Khoa Học & Triết Lý
Văn Hoá & Xã Hội
“Nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng với những nhu cầu của khoa học đương thời thì đó chính là Phật Giáo."
(If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism.) Albert Einstein
Các trang nhà Phật giáo thường trích dẫn câu khen ngợi của Einstein về Phật giáo như là một trợ lực cho tôn giáo của mình. Nếu các khám phá chìa khoá của Einstein xứng hợp với quan điểm vũ trụ của Phật giáo thì sự khen ngợi đó quả thật có giá trị. Nếu không, lời khen ngợi đó chỉ có giá trị biểu kiến của một cá nhân khả ngộ.
Trong bài này chúng tôi so sánh hai quan điểm vũ trụ: Einstein và Phật giáo để xem chúng có xứng hợp hay không.
1- Einstein:
Vào năm 1915, Einstein cho xuất bản một bài khảo cứu thuần lý thuyết về một lý thuyết vũ trụ mới gọi là thuyết Tương Đối Tổng Quát (TĐTQ – General Relativity). Theo lý thuyết này, vũ trụ là một không-thời gian bốn chiều (cao, rộng, sâu và thời gian), bị cong lại vì trong đó có sự hiện diện của năng lượng (và đương nhiên là vật chất, vì vật chất và năng lượng hoán chuyển được với nhau theo quan hệ E=mc2 theo lý thuyết Tương Đối Hẹp (TĐH - Special Relativity) cũng của Einstein). Để giúp chúng ta hình dung ra ý chính của thuyết TĐTQ dễ hơn, chúng ta hãy tưởng tượng vũ trụ bốn chiều như tấm ra trải giường được căng ra. Trên tấm ra đó chúng ta bỏ một trái banh bằng chì nặng (tượng trưng cho vật chất - hay năng lượng - hoán chuyển với nhau theo TĐH). Khi có sự hiện diện của trái banh chì, tấm ra bị lõm xuống do sức nặng của trái banh. Vũ trụ bốn chiều cũng như tấm ra vậy, khi có sự hiện diện của vật chất/năng lượng, bị cong lại như trong hình minh họa sau đây:
Hình 1- Minh hoạ của vũ trụ bi cong lại do sự hiện diện của vật chất/năng lượng (tượng trưng bằng trái banh ở chính giữa).
Hệ quả của thuyết TĐTQ là vũ trụ đang giãn nở. Vũ trụ giãn nở (VTGN) không có nghĩa là vật chất đang văng xa nhau ra trong một vũ trụ đứng yên mà chính vũ trụ đang nở ra như một cái hoa. Để giúp chúng ta hiểu rõ thêm về thuyết VTGN, chúng tôi đơn giản hoá vũ trụ là hình cầu bốn chiều thành hình cầu hai chiều (tức là hình tròn) với các hình vuông tô đậm tượng trưng cho các thiên hà (xem Hình 2). Khi vũ trụ nở ra, tức là đường kính của vòng tròn lớn lên, khoảng cách theo đường cong giữa các thiên hà cũng tăng theo.
Hình 2.- Sự giãn nở của vũ trụ bốn chiều (cao, rộng, sâu và thời gian) được minh họa trong hai chiều. Mỗi hình vuông tô đậm tượng trưng cho một thiên hà. Càng ngày các thiên hà càng văng xa ra so với các thiên hà khác. Vũ trụ trong quá khứ (A) nhỏ hơn vũ trụ hiện tại (B), và nhỏ hơn vũ trụ trong tương lai (C).
Khi Einstein thành hình công trình này, nhân loại vẫn còn tin vũ trụ là một vũ trụ tĩnh. Vì vậy để cho hợp với quan điểm của mọi người và của mình, Einstein phải "chế" ra và đem vào trong phương trình của mình một hằng số, gọi là hằng số vũ trụ. Hằng số này có công dụng khử đi tính động của vũ trụ, để còn lại một vũ trụ tĩnh, có nghĩa là khoảng cách các thiên hà luôn luôn bằng nhau, và thời gian là bất biến. Tuy nhiên vào năm 1929, Edwin Hubble, là một nhà thiên văn người Hoa Kỳ khám phá bằng thực nghiệm là các thiên hà thực sự đang văng xa khỏi nhau. Khám phá này xác định điều Einstein tiên đoán (nếu ông không đem vào hằng số vũ trụ). Sau khám phá này Einstein mới bỏ đi hằng số vũ trụ trong phương trình của ông, và gọi nó là lỗi lầm lớn nhất của ông (greatest blunder).
Nếu vũ trụ đang giãn nở, thì có một lúc nào đó trong quá khứ vũ trụ chỉ là một điểm (có kích thước ZERO). "Trong" vũ trụ điểm này mật độ của vật chất là vô cực, mật độ của năng lượng là vô cực, nhiệt độ là vô cực vàkích thước là ZERO. Từ một điểm này, vũ trụ nở bùng ra (gọi là Big Bang) trong bốn chiều thành kích thước của vũ trụ ngày hôm nay. Thuyết Big Bang là một lý thuyết khoa học được cả phương trình toán của Einstein (không kể hằng số vũ trụ) và quan sát thực nghiệm của Hubble xác định. Hệ quả của thuyết Big Bang là vũ trụ có một sự bắt đầu. Sự bắt đầu đòi hỏi một nguyên nhân đầu tiên. Nguyên nhân đầu tiên ám chỉ về một đấng gây ra nó. Do đó, có khả năng cho sự hiên hữu của Thượng Đế trong thuyết Big Bang.
2- Phật giáo:
Trong khi vũ trụ nói chung và thời gian nói riêng có sự bắt đầu theo thuyết Big Bang, thời gian là bất biến theo Phật giáo. Phật giáo cần đến điều này vì:
- Nếu thời gian là bất biến thì không có nguyên nhân đầu tiên. Không có nguyên nhân đầu tiên tức không có Đấng gây ra nó, tức là Đấng Tạo Hoá. Không những Phật giáo không tin vào một đấng tạo hoá mà còn không tin vào sự hiện hữu của bản ngã nữa. Đối với triết lý này, niềm tin vào sự hiện hữu của bản ngã là nguyên nhân của sự đau khổ. Do vậy muốn thoát ra khỏi sự đau khổ thì chúng sinh phải giác ngộ vô ngã. Giác ngộ vô ngã được gọi là nhập Niết Bàn. Đấng Tạo Hoá, vũ trụ, chúng sinh và bản ngã, theo Phật giáo, chỉ là sản phẩm của cái "tâm" vì "nhất thiết duy tâm tạo." (Nhưng nếu cái "tâm" sáng tạo ra hết mọi chuyện thì nó cũng có thể sáng tạo ra Niết Bàn và Phật Tổ.)
- Nếu do nghiệp mà chúng sinh luân hồi mãi mãi trong thời gian vô tận, tự tồn tự tại, thì chúng sinh còn vô số cơ hội để tự sửa mình. Do đó con người không phải đối diện với Đấng Tạo Hóa cũng là Đấng cầm cán cân công lý. Đối vớinhiều người theo Phật giáo, con người chính là thượng đế của chính mình, vì mình tạo ra nghiệp, và chính nghiệp đó sẽ tạo ra cái đời sau mà mình sẽ đầu thai vào. Do đó, nếu chúng sinh biết cách tự tu hành, thì càng ngày, kiếp sau sẽ khá hơn kiếp trước, và biết đâu một ngày, nghiệp lực tắt và cá nhân đó nhập Niết Bàn. Trong Phật giáo, chúng sinh chịu trách nhiệm với chính mình về việc mình làm chứ không cần một Đấng Phán Xét nào cả.
Do đó, Phật giáo là triết lý tôn giáo của chủ nghĩa vô thần. Phật giáo cũng là chủ nghĩa tiến hóa mang màu sắc tôn giáo. Vì vậy, rất nhiều lý thuyết gia Phật giáo cố gắng dụng ép thuyết tiến hoá sinh học và các lý thuyết khoa học khác làm trợ lực cho tôn giáo mình. Tuy nhiên sự gượng ép của những hệ thống triết lý không xứng hợp chỉ đem đến sự tự hủy mà thôi.
3- Einstein và Phật giáo:
Như chúng ta thấy trong hai phần trên, Einstein đã sai lầm trong khoa học, là lãnh vực sở trường của ông. Nếu không có khám phá của Edwin Hubble, có lẽ vẫn còn có hằng số vũ trụ trong phương trình Einstein cho tới ngày nay. Nếu không có Hubble, cho đến khi chết Einstein vẫn tin vào một vũ trụ tĩnh. Nhưng vì có Hubble nên Einstein đã can đảm mở miệng rằng "đó [hằng số vũ trụ] là sai lầm lớn nhất của tôi" và loại nó ra khỏi phương trình của mình. Tại sao Einstein có can đảm thừa nhận sai lầm đó? Đó là vì ông chấp nhận có một thực hữu, khách quan, độc lập đối với cái "tâm" khoa học của ông. Cái "tâm" đó nói rằng "vũ trụ tĩnh, thời gian bất biến" và cái thực hữu khách quan đó, độc lập đó nói rằng "vũ trụ động, thời gian có giới hạn." Cái "tâm" của Einstein không sáng tạo ra cái thực hữu này mà nó tồn tại độc lập với sự tồn tại của Einstein. Cái "tâm" của Einstein đã phải đầu hàng trước cái thực hữu không thể chối cải đó. Nếu không có Einstein trong thế kỷ 20 thì sẽ có người khác khám phá ra vũ trụ giãn nở và thời gian có giới hạn vào một thời điểm khác. Do đó, câu "nhất thiết duy tâm tạo" không có giá trị phổ quát. Do vậy, Thượng Đế nếu hiện hữu (hay không hiện hữu) độc lập với cái "tâm" của người Phật tử. Tương tự như vậy, sự hiện hữu của Mỹ Châu độc lập với sự tồn tại của Christopher Columbus.
Sự việc Einstein chấp nhận một thực hữu là vũ trụ giản nở mà liệng bỏ hằng số vũ trụ đi vạch trên giấy trắng mực đen biên giới không thể lầm lộn được giữa triết lý của ông với triết lý Phật giáo. Lý thuyết của ông (sau khi ông loại đi hằng số vũ trụ) và vũ trụ học Phật giáo trở nên như lửa với nước. Một bên tiên đoán thời gian có sự bắt đầu, một bên tin vào một thời gian bất biến. Hai hệ thống triết lý này không thể hoà hợp với nhau như nhiều người lầm tưởng. Nếu Einstein đã sai lầm ngay cả trong khoa học là lãnh vực sở trường của mình thì có gì bảo đảm ông không sai lầm trong lãnh vực tôn giáo? Do vậy câu khen ngợi của Einstein về Phật Giáo chỉ là một quan điểm cá nhân của một người khả ngộ, phát biểu trong sự bất tri về Phật Giáo và sự tương quan của nó đối với lý thuyết khoa học của mình. Do vậy trích dẫn câu khen ngợi của Einsteinvề Phật giáo trong khi không biết những tương dị bất khả hoà giữa thuyết của ông với triết lý tôn giáo mình bày tỏ cho đọc giả thấy một kiến thức nông cạn, một thái độ thiếu chín chắn.
4- Kết luận:
Trong lãnh vực tri thức, công trình khám phá hài hoà, bổ xung cho nhau có giá trị chiều dài, chiều sâu hơn lời nói xuông.
Lê Anh Huy