Đức Chúa Trời
Chân-Giả luận
Khoa Học & Triết Lý
Văn Hoá & Xã Hội
Trước đây, truyền thông tại Hoa Kỳ loan tin rầm rộ về một cô y tá gốc Việt tại thành phố Dallas tiểu bang Texas nước Hoa Kỳ bị nhiễm vi-rút Ebola. Cô lây bịnh từ một người Phi châu, là du khách đang thăm viếng Hoa Kỳ, trong khi điều trị cho ông ta tại bịnh viện nơi cô làm việc. Ngay sau khi ông ta chết vì vi-rút Ebola, cô Nina Pham bắt đầu có triệu chứng của bịnh này: nóng sốt, đau nhức bắp thịt, nôn mửa, đau trong bao tử và tiêu chảy có máu. Sau đó, cô được chuyển tới một bịnh viện tại tiểu bang Maryland, Hoa kỳ để điều trị và mới đây tin tức truyền ra là cô đã được lành bệnh.
Trường hợp Nina Pham là trường hợp nhiễm vi-rút Ebola đầu tiên tại đất Mỹ. Vi-rút Ebola truyền từ người này qua người khác qua sự đụng chạm với bịnh nhân. Sự nhiễm bịnh của cô gây nên một làn sống lo âu trên một đất nước có một nền y khoa tối tân nhất thế giới này. Sự lo âu của quần chúng Hoa Kỳ bắt đầu từ sự nhận thức của họ về sự thụ động của giới chức Hoa Kỳ trong việc ngăn chận bịnh tật. Tại Hoa Kỳ có một cơ quan của chính phủ gọi là Center for Disease Control (gọi tắt là CDC) để phòng ngừa, ngăn chận các loại dịch. Tuy nhiên một CDC vẫn chưa đủ: gần đây tổng thống Obama lại bổ nhiệm thêm một người đặc nhiệm nữa gọi là “ông trùm” Ebola để cấp thiết ngăn chận vi-rút này trước khi nó có thể bộc phát thành một cơn dịch tại Hoa Kỳ.
Dân chúng Hoa Kỳ lo âu rằng nếu Ebola không bị ngăn chặn kịp thời thì nó có thể phát triển thành một trận dịch như một trong các trận dịch trước đây. Một trận dịch, gọi là “Tử Thần Đen” (The Black Death) vào thế kỷ thứ 14 đã giết một phần tư dân số của Âu Châu: trẻ em, đàn ông và đàn bà, không một ai được an toàn khỏi trận dịch. Chỉ một trận dịch, gọi là Cúm Tây Ban Nha vào năm 1918-1919 đã giết khoảng từ 20 tới 40 triệu người. Thánh Kinh cũng ghi lại một trận dịch xẩy ra vào khoảng 1 ngàn năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh, vào cuối triều đại Đa-vít (2 Sa-mu-ên 24.15-26). Trận dịch này đã giết 70 ngàn người: đàn ông, đàn bà và trẻ em. Ngày nay, nếu có một trận dịch tương tự, thì có thể có nhiều người chết hơn vì thế giới đông hơn. Dù nền y khoa của thế giới nói chung tiến bộ hơn trước, nhưng vì phương tiện đi lại nhanh hơn nên vi-rút có cơ hội lan nhanh hơn và xa hơn. Trường hợp của Nina Pham chứng minh cho sự lan nhanh của vi-rút do sự du lịch toàn cầu: Một người sinh sống tại Mỹ, nhiễm Ebola do một người từ Phi châu đem tới.
Thánh Kinh không dạy trực tiếp về vi-rút, nhưng cho biết rằng tất cả những nỗi đau nhức, oằn oại, rên xiết, tan thương của thế giới này là hậu quả của sự phạm tội của loài người. Phạm tội tức là bất tuân Đức Chúa Trời. Khi A-đam và Ê-va phạm tội, Ngài phán đất sẽ “mọc gai” (Sáng Thế 3.18). Nghĩa là, đời sống của loài người sẽ không còn dễ dàng nữa; lao nhọc, bệnh tật, chiến tranh, chết chóc và đau khổ sẽ hoành hành nhân loại. Do vậy, khi chúng ta thấy “đất mọc gai” thì đừng cho là “đất xấu” hay là “xui” nhưng nên nhìn vào khía cạnh tâm linh của sự “gai góc” đó.
Có nhiều người trong chúng ta tin rằng Ông Trời giáng họa một cách gián tiếp, tỉ dụ như “lờ” để dịch hoành hành nhưng ít có ai tin rằng chính Ông Trời ra lệnh cho thiên sứ đem lại một trận dịch. Thật vậy, Thánh Kinh dạy rằng chính Ông Trời đã trực tiếp truyền lệnh cho thiên sứ thi hành án phạt dân Do-thái mà hậu quả là 70 ngàn người đã chết vì dịch. Nếu vậy, cũng chính Ngài đã thi hành án chết cho hàng trăm triệu người trong tất cả các trận dịch trên toàn thế giới từ trước đến nay. Có thể chúng ta không biết lý do tại sao Ông Trời làm vậy, nhưng nếu Ngài không chuẩn y thì không có một trận dịch nào có thể xẩy ra.
Như thế thì Ông Trời quá ác, nhiều người vặn vẹo. Thật ra chúng ta không biết rằng thân phận con người quả thật rất nhỏ nhoi. Đời sống của chúng ta rất ngắn ngủi. Chúng thấy một con kiến dưới gót chân của chúng ta ra sao thì chúng ta nằm trong bàn tay của Đức Chúa Trời như vậy. Cả nhân loại này đang đi vào sự chết vì sự bất tuân không phải của tổ tiên A-đam và Ê-va của chúng ta mà của chính chúng ta nữa. Trong mỗi cơn tai họa do dịch, có khi nào con người nghĩ về Đức Chúa Trời là Đấng ban phước và giáng họa để cầu xin Ngài tha mạng cho mình, mạng nhỏ nhoi như mạng của một con kiến? Thay vì, con người bàn về vi-rút như là bằng chứng của sự tiến hóa, và khoác lác rằng loài người sẽ tìm ra thuốc chủng. Nhưng càng ngày càng có nhiều vi-rút mới ra đời để đe dọa sự sinh tồn của loài người. Dù vậy, loài người lại càng khoác lác cho rằng càng có nhiều vi-rút mới tức là thuyết tiến hóa của mình càng đúng! Nếu thuyết tiến hóa đúng, thì loài người sẽ chiến thắng trận chiến vi thể này, vì loài người là giống thích nghi nhất trong các loài. Nhưng ngược lại, dù y khoa có tiến bộ đến đâu, lúc nào loài người cũng đi sau kẻ thù một bước.
“Đất mọc gai” sẽ không chậm lại nhưng gia tốc cho đến một cực điểm. Cực điểm đó là 7 năm đại nạn mà sách Khải Huyền của Thánh Kinh nói tới. Đây là một giai đoạn cực kỳ đen tối trong tương lại cho những người không tin Chúa. Trong thời đoạn này, con người muốn chết cũng không được, muốn sống cũng không xong. Từ thiên nhiên cho tới quan hệ giữa người và người sẽ bị xáo động đến cực điểm. Người chết vì chiến tranh, thiên tai và dịch lên đến nhiều tỉ người. Và loài người không còn “rên xiết” nữa mà là kêu thất thanh do đau khổ cùng cực.
Nhưng chúng ta có một niềm hy vọng là những ai tin vào Đức Chúa Jesus thì sẽ được cứu khỏi phải đi qua sự kêu la thất thanh này. Vào cuối 7 năm đó, Đức Chúa Jesus sẽ trở lại, không phải là một hài nhi trong máng cỏ hèn mọn, nhưng là một Đấng Phán Xét quyền uy để báo trả cho những ngày khiêm nhường qua. Ngài sẽ trực tiếp cai trị thế giới và chiến tranh sẽ không còn. Khi đó, có cây sự sống mà lá của nó sẽ chữa lành bệnh tật cho nhân loại (Khải Huyền 22:2). Biết đâu, vi-rút sẽ mất đi khả năng gây bệnh để trở thành các máy nano, làm việc ngày đêm không ngừng nghĩ để bảo trì, sửa chữa các hỏng hóc trong tế bào của loài người chúng ta.
Lê Anh Huy