Đức Chúa Trời
Chân-Giả luận
Khoa Học & Triết Lý
Văn Hoá & Xã Hội
Hỏi: Các ông nói Đức Chúa Trời rất công bình, nếu Ngài mang tất cả những của cải trên đất này chia đều cho mỗi người, để người nào cũng có được phần như nhau, không có kẻ giàu, người nghèo, như vậy chẳng tốt hơn hay sao?
Đáp: Đức Chúa Trời tạo dựng ra loài người, có kẻ giàu, người nghèo, mới thành ra một xã hội được. Ngài thường dùng sự giàu và nghèo mà báo trả cho cách sống và đối xử của con người: Nếu làm người mà giữ gìn được lòng thành, làm nhiều việc thiện, biết sống tiết kiệm không xa hoa lãng phí, không ngại sự khó nhọc, ắt hẳn có thể trở nên giàu có được. Còn nếu người giàu mà đối xử hung ác, hãm hại người lương thiện, sống nếp sống xa xỉ, hoang dâm vô độ, vẫn có thể trở thành nghèo khổ. Sự giàu và nghèo của đời người thường luân chuyển như thế đó.
Đức Chúa Trời tạo ra chúng ta, mỗi người đều có đầy đủ tứ chi, nội tạng và trí óc để làm ăn sinh sống. Trong xã hội có bốn loại nghề nghiệp: sĩ, nông, công, thương. Nếu Đức Chúa Trời sinh ra tất cả mọi người đều giàu cả, vậy ai là người làm thợ và ai làm nghề nông? Không có người làm thợ thì các vật dụng sinh hoạt lấy ở đâu ra để chúng ta sử dụng? Không có nông dân thì ai là người cày ruộng để chúng ta có thóc lúa mà ăn? Không có các vật dụng cho sinh hoạt, không có gạo ăn, chúng ta sẽ chỉ như là loài cầm thú. Còn nếu Đức Chúa Trời tạo ra tất cả loài người đều nghèo cả thì ai sẽ là người có tiền để thuê thợ? Không có người bỏ tiền kinh doanh, người nghèo chắc sẽ rất khốn khổ vì không ai có thể nhờ được ai cả. Do vậy mà Chúa khiến có kẻ nghèo, người giàu, người giàu có của, kẻ nghèo có công, mọi người nương nhờ nhau mà sống. Người xưa có câu: “Quân tử nhọc lòng, tiểu nhân nhọc sức.” Xã hội mà không có kẻ giàu người nghèo thì không còn là xã hội của loài người nữa, và chúng ta cũng giống như một loài trong số các loài cầm thú mà Chúa đã dựng nên.
Vả lại, Đức Chúa Trời dựng nên loài người cũng như người thợ gốm nắn nên những cái chậu có lớn, có nhỏ, hình thức khác nhau tùy nhu cầu sử dụng. Cái chậu không thể trách người thợ gốm: “Sao đã làm nên tôi như vậy?” Vậy thì chúng ta có thể oán trách Đức Chúa Trời được sao khi Ngài dựng nên người ta có giàu, có nghèo? Hiểu được như thế, dù chúng ta rơi vào hoàn cảnh nào, giàu hay nghèo cũng nên giữ tấm lòng vui vẽ mà thuận theo ý Chúa. Sách Luận ngữ chép rằng: “Người quân tử lo đạo, chẳng lo nghèo.” Đó là một tư tưởng rất hay chúng ta nên học theo để tiếp nhận đạo của Đức Chúa Giê-xu.