Đức Chúa Trời
Chân-Giả luận
Khoa Học & Triết Lý
Văn Hoá & Xã Hội
Phật Thích Ca tên Siddattha Gotama, thuộc dòng dõi bộ tộc Sakya, sinh vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 dl năm 624 trước Công Nguyên (có thuyết cho rằng năm sinh của Phật là 563), tại Lâm-tỳ-ni thuộc miền nam xứ Népal, có kinh đô là Kapilavastu. Ông là con một tiểu vương Ấn Độ tên là Suddhodana và bà Maha-Maya. Thái tử là một người thông minh, xuất chúng, học một biết mười, và là một người văn võ song toàn.
Năm 17 tuổi thái tử kết hôn với công chúa Yasodhara và có một con trai với bà. Dù vậy, ông vẫn nuôi trong lòng ý muốn xuất gia sau khi chứng kiến những cảnh tranh đấu giết hại lẫn nhau để tìm sự sống. Thái tử nghĩ rằng nguồn gốc của mọi đau khổ đều xuất phát từ lòng dục vọng của con người; từ đó phát sinh ra những phiền muộn, hung ác, xích mích và giết chóc lẫn nhau.
Qua những lần dạo chơi các cửa thành, thái tử chứng kiến cảnh một ông lão già nghèo, bệnh hoạn, chống gậy run rẩy khập khiễng đi ngang đầu xe của thái tử; một người bệnh nằm rên rỉ thảm thiết trong đau đớn bên lề đường trên phân và nước tiểu của mình; một xác chết bên vệ đường, thân xác trong tình trạng đang phân hủy rất hôi thúi, trông rất ghê tởm. Thái tử buồn rầu quay trở về cung suy nghĩ, tìm phương cách giải thoát cho bản thân mình và cho cả chúng sinh khỏi viễn cảnh sinh , lão, bệnh, tử của đời người. Năm 19 tuổi, thái tử quyết định rời bỏ cung điện tìm đường tu luyện.
Khởi đầu, thái tử đi sâu vào rừng, cắt tóc, mặc nâu sòng và trở thành một đạo sĩ dấn thân tìm đạo. Thái tử tìm đến các vị đạo sĩ Bà La Môn học hỏi phương pháp tu hành. Sau một thời gian tu luyện, không thỏa lòng với phương pháp tu luyện của các đạo sĩ Bà La Môn, thái tử vào rừng thực hành tu ép xác trong sáu năm. Sau cùng, nhận thấy, lối tu khổ hạnh cũng chưa phải là con đường giải thoát, thái tử quay trở lại bờ sông Ni-liên. Sau khi uống một bát sữa dê của một tín nữ dâng cúng, thái tử ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề. Sau 49 ngày, thái tử nhận thấy mình đã hoàn toàn giác ngộ và tuyên bố đắc đạo.
Phật Thích Ca đắc đạo lấy hiệu là Như Lai. Sau đó Phật đến vườn Lộc Uyển nói pháp tứ độ cho năm ông Tỳ kheo (Kiều Trần Như, Ac Bê, Thập Lục Ca Diếp, Ma Ha Nam Câu Ly và Bạc Đề). Từ đó đạo Phật được rao truyền ra khắp thế giới có nhiều người tin theo.
Phật Thích Ca mất (nhập diệt) năm 81 tuổi.
Đời Minh Đế nhà Hán, đạo Phật đã khá phổ thông bên Trung Quốc. Đến đời nhà Đường, từ vua quan cho đến dân thường đều mê tín đạo Phật. Ông Hàn Dũ có lòng lo lắng cho hậu vận nước nhà, bèn dâng tấu sớ khuyên can vua rằng: “Đại chi đại nguyên xuất ư thiên; cớ sao không thờ Trời mà lại thờ Phật, để hại cho đời sau?” Thật đáng tiếc! Lời thật mất lòng, buổi sáng dâng tấu sớ, buổi chiều ông bị đưa đi lưu đày; chân lý đã không thắng nỗi cường quyền.
Nước ta vào đời nhà Đinh, vua mới sai sứ sang Trung Quốc thỉnh kinh Phật về thờ. Từ đó cho đến nay, dân chúng tin theo càng ngày càng nhiều. Họ quyên góp tiền bạc để xây chùa dựng miểu, tô tượng, đúc chuông để cầu phúc cầu lộc. Nhưng Phật Thích Ca không nói là Phật có quyền giáng họa, ban phúc cho ai được cả. Làm như thế chỉ góp phần làm sai lạc giáo lý của Phật mà thôi.
Phật Thích Ca vốn là một thái tử con vua, đã vì chúng sinh mà bỏ mình tìm đạo, tâm chí rất cao quý, rất đáng cho chúng ta cảm phục! Nhưng suy cho cùng Phật cũng chỉ là một con người trong thiên hạ, vẫn phải phục mệnh dưới quyền thiên số. Phật không thể tự cứu mình thoát khỏi sự tử thì sao có khả năng tế độ được cho người khác?
Kinh Phật cũng có chép: Lúc Phật lên 8, vua cha dẫn đến thiên miếu lạy Trời. Như thế đấy, sao chúng ta không noi gương Phật mà thờ lạy Đức Chúa Trời cho hợp lẽ đạo?
Vả lại, căn cứ theo giáo lý nhà Phật, thì loài người có ba điều xấu gọi là “Tam Độc.” Bất luận ai, muốn đạt đến Niết Bàn đều phải tự mình giải thoát khỏi ba cái độc ấy, chứ Phật không tế độ cho ai, vì Phật không phải là đấng cứu thế, mà chỉ là giáo chủ của một tôn giáo dạy đạo đức và luân lý mà thôi. Như vậy có khác nào bác sĩ, sau khi khám cho bệnh nhân thì cho biết: “Anh mắc phải ba chứng bịnh có thể chết là đau tim, đau gan và đau phổi.” Bệnh nhân lo lắng xin được cứu giúp, nhưng bác sĩ lại nói rằng: “Tôi không có cách gì cứu chữa anh được, tự anh phải điều trị sao cho dứt ba chứng bệnh ấy, tất nhiên anh sẽ được mạnh khỏe trở lại và bình an.” Nghe như thế, ắt hẳn bệnh nhân sẽ phải rất đau khổ và thất vọng lắm.
Hoặc là có một người kia đang vỡ nợ, nhận được trát của tòa gia hạn trong vòng một thời gian ngắn phải hoàn trả đủ cả tiền vốn lẫn lời mới được bình yên vô sự; nếu không, sẽ chiếu theo luật mà định tội. Than ôi! Làm thế nào người ấy có thể trả được tất nợ? vì số nợ rất lớn mà tiền dành dụm lại quá ít? Chắc là người ấy sẽ vô cùng tuyệt vọng khi nhận được giấy báo.
Cũng như thế, việc lành người ta tạo được rất hiếm, mà việc dữ thì lại có dư. Nay làm sao người đời có thể mang số vốn lành ít ỏi ấy để trừ cấn qua số nợ tội lỗi quá nhiều? Người nào có trí biết suy xét chắc cũng hiểu là không thể được. Như vậy, giáo lý nhà Phật dạy một điều mà trọn một đời người cũng không thể nào thực hiện xong được.
Chỉ duy nhất Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của nhân loại. Ngài có quyền giáng họa, ban phước và cũng có quyền cứu vớt mọi kẻ có tội. Ngài rất yêu thương nhân loại, hơn cả người cha yêu thương con cái mình, Ngài không muốn người nào phải chết mất. Nhận thấy loài người không có cách gì để chuộc tội cho mình Ngài bèn lập ra một phương án cứu rỗi, vừa hợp lẽ công bình, vừa thể hiện lòng yêu thương. Ấy là Đức Chúa Giê-su Christ đã đổ huyết trên Thập tự giá chuộc tội cho loài người, hầu cho bất cứ người nào xưng nhận tội mình trước Đức Chúa Trời, và tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa, sẽ được tha thứ tất cả tội lỗi. Ấy cũng như kẻ mắc nợ được chủ nợ tha nợ, bệnh nhân gặp được bác sĩ giỏi, người đang đắm chìm giữa biển gặp được thuyền cứu vớt.
Xin quý độc giả kiên nhẫn đọc hết sách này sẽ biết rõ phương pháp cứu rỗi duy nhất ấy.
Tài liệu tham khảo:
- “Sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni” của tác giả Minh-Thiện Trần Hữu Danh
- “Sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni” của Ban Tu Thư Phật học