Đức Chúa Trời
Chân-Giả luận
Khoa Học & Triết Lý
Văn Hoá & Xã Hội
Nhiều người Việt tị nạn cộng sản hưởng thụ cuộc sống tự do của mình tại nước Mỹ, hãnh diện đất nước mới là thành trì của thế giới tự do, nhưng không biết rằng xứ sở này đã từng được xây dựng trên chế độ nô lệ. Trong thời lập quốc, người Mỹ da trắng giàu có mua người da đen trong các chợ bán nô lệ như mua trâu bò rồi đem về các nông trại, bắt làm việc như súc vật cho mình. Cuộc đời của những người nô lệ da đen được mô tả trong cuốn tiểu thuyết “Túp Lều của Chú Tom” (Uncle Tom’s Cabin) xuất bản trong thế kỷ 19, cho ta thấy nhân quyền của họ bị tước đoạt, tính mạng bị đe dọa đến mức chết.
Đứng trước chế độ nô lệ, những người tin Chúa vào thời đó có hai thái độ trái ngược nhau. Một bên ủng hộ chế độ nô lệ và một bên chống. Bên theo cho rằng Thánh Kinh không những không công khai chống chế độ nô lệ, mà còn có nhiều đoạn dường như ủng hộ chế độ nô lệ nữa. Còn bên chống tin rằng Đức Chúa Trời tạo ra mọi người giống nhau, người da trắng cũng như người da màu, người đàn ông cũng như người đàn bà. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước mặt Chúa, dù trong xã hội nắm giữ các vị trí khác nhau theo khả năng của mình. Vì tin như vậy, nhiều Hội Thánh Mỹ tham gia vào mạng lưới bí mật gọi là Underground Railroad để tuồng các nô lệ đang chạy trốn khỏi chủ nhân, qua Canada, vào các thành phố lớn, vào các bộ lạc của thổ dân da đỏ, để được đón tiếp như những người tự do.
Nếu bạn đọc, nhất là những người tin Chúa¾là những người biết Thánh Kinh, là con cái của sự sáng, tự cho mình phân biệt được sự Ác và điều Thiện, sống trong thời đoạn trước nội chiến Mỹ, đứng trước vấn đề xã hội này, bạn đứng về phe nào? Bạn củng cố chế độ nô lệ hay bạn muốn xóa bỏ nó? Bạn không nên có thái độ lưng chừng, vì nó sẽ nói lên một điều rằng bạn là người không quan tâm, hay bạn sống ích kỷ, hay bạn không có lập trường, hay bạn không hiểu Thánh Kinh, hay tệ hơn nữa lương tâm của bạn đã chai lì vì tội lỗi. Đối với những người tin vào Thánh Kinh, thì nó phải là kim chỉ đường để giúp đối tượng chọn đúng hướng đi khi đứng trước một ngã ba.
Theo quan điểm của tôi, khuynh hướng ủng hộ chế độ nô lệ có đúng một phần: Thánh Kinh Cựu Ước chấp nhận chế độ nô lệ, nhưng khống chế nó. Khống chế như sau: nếu chủ nhân đánh nô lệ đến chết, thì chủ nhân phải bị phạt; hay, nếu chủ nhân đánh nô lệ bị thương tích vĩnh viễn, thì chủ nhân phải phóng thích nó; v.v. Trong Tân Ước, Phao-lô không công khai dạy xóa bỏ nô lệ, nhưng kêu gọi chủ nhân nô lệ (tức là Phi-lê-môn) nhận lại người nô lệ bỏ trốn của mình (tức là Ô-nê-sim), và đối xử với anh ta như anh em. Như vậy, Phao-lô muốn dùng tình thương để xóa bỏ chế độ nô lệ, đem hòa giải tới cho hai người, và phục hồi quyền con người cho Ô-nê-sim.
Còn phe chống nô lệ xây dựng quan điểm của mình trên một câu Thánh Kinh đơn giản, rằng Đức Chúa Trời tạo ra mọi người theo hình tượng của Ngài. Như vậy, mọi người đều bình đẳng trước mặt Chúa. Niềm tinh này là nền tảng cho việc xóa bỏ nô lệ tại Mỹ vào thế kỹ 19, đem lại nữ quyền vào thế kỹ 20, không ngừng cải tạo xã hội Hoa Kì để đem bình đẳng đến cho mọi người.
Một câu hỏi cuối nhưng cơ bản mà chúng ta phải trả lời là nếu Thánh Kinh dường như ủng hộ cả hai khuynh hướng, thì phải chăng Thánh Kinh là “ba phải”? Chúng ta cần phải phân biệt hai loại giá trị trong Thánh Kinh: một giá trị lâu dài và một giá trị tạm thời. Giá trị lâu dài¾như Đức Chúa Trời tạo ra mọi người bình đẳng¾thì lý tưởng; trong khi giá trị tạm thời như chế độ nô lệ, chỉ được chấp nhận (nhưng bị khống chế) trong một thời đoạn của lịch sử loài người. Một thí dụ nữa là tục đa thê. Thánh Kinh Cựu Ước chấp nhận tục đa thê, nhưng trong Thánh Kinh Tân Ước, Chúa Giề-su dạy rằng ngay cả khi một người đàn ông nhìn một người đàn bà với lòng ham muốn là đã phạm tội ngoại tình rồi. Những giá trị tạm thời này được Thánh Kinh chấp nhận trong một thời gian vì loài người chưa trưởng thành, nhưng giá trị lâu dài phải là cái đích để chúng ta vươn tới.
Khi Thánh Kinh không rõ ràng đối với bạn, như trong trường hợp nô lệ, bạn nên tự hỏi rằng mình có muốn bị cụm chân, lột trần truồng và bị rao bán như súc vật ở chợ không. Câu trả lời chắc hẳn là không. Khi đó, bạn sẽ hiểu lẽ đạo cơ bản nhất của Thánh Kinh: “Hết lòng, hết trí, hết sức yêu mến Đức Chúa Trời, và yêu người khác như chính mình,” và từ đó biết mình phải làm gì.
Lê Anh Huy